Những bước chuyển cần thiết trong phát triển năng lượng xanh ở Việt Nam

Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp trong đó tập trung vào hai lĩnh vực chính là sử dụng năng lượng hiệu quả và triển khai chiến lược phát triển năng lượng xanh.

Việt Nam sẽ chú trọng vào sử dụng năng lượng hiệu quả và phát triển năng lượng xanh nhằm góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu (ảnh minh họa)

Sau khi Việt Nam tham gia Thỏa thuận chung Paris về BĐKH, chúng ta đã cam kết thực hiện đồng thời hai giải pháp về thích ứng và giảm nhẹ BĐKH. Mục tiêu cụ thể là Việt Nam sẽ giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát thải thông thường vào giai đoạn 2021 – 2030 và có thể đạt 25% khi nhận được thêm nguồn lực hỗ trợ đầy đủ từ cộng đồng quốc tế.

Theo Báo cáo cập nhật định kỳ hai năm lần thứ nhất (BUR1) năm 2014, Việt Nam đã kiểm kê tổng lượng phát thải khí nhà kính năm 2010 là 246,8 triệu tấn CO2tương đương. Trong đó, lĩnh vực năng lượng phát thải 141,1 triệu tấn CO2(tương đương 53%), dự báo đến năm 2020 lượng phát thải sẽ tăng lên 381,1 triệu tấn (tương đương 81%) và đến năm 2030 là 648,5 triệu tấn (chiếm khoảng 85% tổng lượng phát thải quốc gia). Phát thải trong lĩnh vực năng lượng ở đây bao gồm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tiêu thụ năng lượng trong tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.

Theo tính toán của các chuyên gia, để góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính 8% theo Thỏa thuận Paris vừa đề cập ở trên, lĩnh vực năng lượng sẽ phải thực hiện 11 giải pháp chi phí thấp (trong đó có 8 giải pháp về sử dụng năng lượng hiệu quả và 5 giải pháp về sử dụng năng lượng tái tạo). Như vậy có thể thấy giải pháp về sử dụng năng lượng hiệu quả là ưu tiên hàng đầu để tự thực hiện và các giải pháp về phát triển năng lượng tái tạo với chi phí cao vẫn cần sự hỗ trợ lớn từ cộng đồng quốc tế.

Ông Trần Anh Tấn, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết: “Để triển khai các mục tiêu về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong các hoạt động công nghiệp và năng lượng, Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp trong đó tập trung vào hai lĩnh vực chính là sử dụng năng lượng hiệu quả và triển khai chiến lược phát triển năng lượng tái tạo”.

Theo ông Tấn, trên cơ sở Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010, hệ thống các văn bản hướng dẫn, quy định như việc áp dụng dán nhãn tiết kiệm năng lượng cho các thiết bị tiêu thụ năng lượng, quy định về định mức tiêu hao năng lượng tối thiểu và lộ trình áp dụng cho một số ngành sử dụng năng lượng lớn … về cơ bản đã được xây dựng hoàn chỉnh. Các hoạt động hỗ trợ như thông tin, tuyên truyền, đào tạo tập huấn cán bộ quản lý năng lượng hiệu quả … đều được triển khai thường xuyên và đem lại nhiều kết quả cụ thể và thiết thực.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo với những chính sách hỗ trợ phát triển các dạng năng lượng như: năng lượng gió,năng lượng mặt trời, thủy triều, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học, năng lượng vũ trụ … Được biết, Quy hoạch điện VII điều chỉnh sẽ ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, từng bước gia tăng tỷ trọng điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện đạt khoảng 7% năm 2020 và trên 10% năm 2030.

Tuy nhiên theo báo cáo của Bộ Công thương thì tổng công suất lắp máy của các nhà máyđiện mặt trờiđã vận hành đã lên tới 4.464 MW tính đến hết tháng 6/2019. Đối với cácdự ánđiện gió đã đi vào hoạt động là khoảng 300MW. Năng lượng tái tạo đã chiếm cơ cấu gần 10% trong cơ cấu nguồn điện tại Việt Nam. Như vậy quy mô này đã vượt nhiều so với quy mô đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh.

TS. Vũ Minh Pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Khoa học năng lượng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, thống kê từ Bộ Công thương cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, Việt Nam đã tiết kiệm từ 5 – 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng. Trong đó, cường độ năng lượng của các ngành sản xuất công nghiệp, tiêu thụ nhiều năng lượng giảm dần trong giai đoạn 2011-2015 như ngành thép (giảm 8,09%); ngành xi măng (giảm 6,33%); ngành dệt sợi (giảm 7,32%). Theo kịch bản của Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 thì đến năm 2030, Việt Nam sẽ phấn đấu giảm mức tiêu hao năng lượng trung bình trong các ngành công nghiệp, ngành thép từ 5-16,5%; hóa chất hơn 10%; xi măng gần 11%; nhựa từ 21,55 – 24,81% so với giai đoạn 2015-2018. Đối với các khu, cụm công nghiệp, sẽ có từ 70 – 90% doanh nghiệp được tiếp cận và áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) đánh giá: “Mặc dù còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ nhưng tôi cho rằng với những bước chuyển ở cả hai lĩnh vực là phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả, Việt Nam đã từng bước thực hiện được những cam kết của mình. Việc ưu tiên sử dụng năng lượng hiệu quả và đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, giảm ô nhiễm, bảo vệ khí hậu, sức khỏe cộng đồng, tăng cường tiếp cận năng lượng cho người nghèo, tạo cơ hội thu hút đầu tư và tạo việc làm cho các địa phương phát triển kinh tế, thúc đẩy sự tham gia và sáng tạo của người dân, doanh nghiệp tư nhân vào thị trường năng lượng sạch”.

Nguồn: Tổng hợp